MỘT SỐ GIẢI PHÁP THIẾT THỰC VÀ HIỆU QUẢ Ở TRƯỜNG THPT PHAN ĐÌNH PHÙNG TỈNH ĐẮK LẮK

Lượt xem:

Đọc bài viết

  Trong vài năm trở lại đây, tình trạng bạo lực học đường trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Theo thống kế gần nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2017 đã xảy ra khoảng 1600 vụ việc liên quan đến bạo lực học đường, tức là mỗi ngày có gần 5 vụ xảy ra ở đâu đó. Nhiều vụ việc đau lòng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh nhà trường, gây tâm lý hoang mang trong một bộ phận cha mẹ học sinh và trở thành nỗi ám ảnh lâu dài đối các em học sinh là nạn nhân của những vụ việc đó.

Bạo lực học đường được hiểu là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo lý, xúc phạm, trấn áp người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi nhà trường. Theo đó, nó có thể xuất phát từ những lời nói mang tính xúc phạm, lăng mạ cho đến hành vi dùng vũ lực đánh nhau, gây thương tích cho người khác. Nhân tố liên quan đến bạo lực học đường cũng khá đa dạng: giữa học sinh với học sinh, giữa học sinh với các đối tượng bên ngoài nhà trường, thậm chí là giữa học sinh với giáo viên… và tất nhiên, nó cũng xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân như từ những va chạm, mâu thuẫn trong ứng xử, giao tiếp trong quá trình học tập cho đến  các hành vi gây gỗ dẫn đến đánh nhau chỉ vì một lời nói, một ánh mắt bị cho là “thiếu thiện cảm”…

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, trường THPT Phan Đình Phùng, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều giải pháp thiết thực nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, góp phần tạo dựng môi trường dạy và học lành mạnh, an toàn cho thầy và trò của nhà trường.

Vào đầu mỗi năm học, nhà trường ban hành và tổ chức tuyên truyền bản Nội quy học sinh để học sinh toàn trường, nhất là học sinh đầu cấp, nắm bắt. Cùng với đó, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cũng tổ chức các hạt động giáo dục tư tưởng, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, trong đó chú trọng giáo dục về văn hóa giao tiếp, ứng xử trong nhà trường. Nhà trường cũng phối hợp với Đoàn thanh niên thành lập tổ giám thị và đội thanh niên xung kích thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các hoạt động học tập và thực hiện nội quy của học sinh. Năm học 2017 – 2018, Đoàn thanh niên đã đăng ký và hoàn thành “Công trình thanh niên” với nội dung lắp đặt hệ thống Camara quan sát nhằm theo dõi và kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm của học sinh.


Tuyên truyền thực hiện An toàn giao thông

Tuyên truyền phòng chống TNXH và Bạo lực học đường

Biện pháp tiếp theo mà nhà trường hết sức chú trọng là tổ chức ký cam kết thực hiện An toàn giao thông, phòng chống các tệ nạn xã hội và bạo lực học đường giữa cha mẹ học sinh và học sinh với nhà trường. Để làm được việc này, trước hết, nhà trường đã phối hợp và mời đại diện đội Cảnh sát giao thông, đội cảnh sát phòng chống tệ nạn xã hội công an huyện Krông Pắc về làm công tác truyên truyền trước học sinh toàn trường, có sự tham dự của Ban đại diện hội Cha mẹ học sinh. Tiếp đến, nhà trường gửi Bản cam kết đến từng phụ huynh học sinh để các bậc phụ huynh nghiên cứu và cùng với con em của mình ký cam kết thực hiện. Cuối cùng, nhà trường sẽ tổ chức một buổi lễ ký cam kết trước đông đảo học sinh toàn trường. Thành phần tham gia ký kết có đại diện Hội Cha mẹ học sinh, đại diện học sinh các khối lớp, đại diện đội ngũ Giáo viên chủ nhiệm, đại diện BCH Đoàn thanh niên và Ban giám hiệu nhà trường. Việc làm này trước hết giúp cho các em học sinh được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật cũng như ý thức chấp hành khi tham gia giao thông, phòng chống bạo lực học đường và các tệ nạn khác, nhưng quan trọng hơn, đó cũng là cách nhà trường tạo sự kết nối và phối hợp giữa nhà trường với gia đình và các lực lượng xã hội trong công tác giáo dục học sinh. Tại buổi lễ ký cam kết “Thực hiện An toàn giao thông, phòng chống Tệ nạn xã hội và Bạo lực học đường” được tổ chức vào sáng ngày 10/9/2018 tại trường THPT Phan Đình Phùng, ông Vũ Hồng Sơn, trưởng ban đại diện Hội CMHS nhà trường đã tâm sự “Việc tiếp thu, tìm hiểu các nội dung trong Bản cam kết và ký cam kết thực hiện với nhà trường đã giúp cho những bậc làm cha làm mẹ như chúng tôi nhận thức rõ hơn và tăng cường hơn nữa trách nhiệm của mình trong quá trình giáo dục con em”. Qua trao đổi với chúng tôi, em Ngô Thị Mỹ Phụng, học sinh lớp 10A8 cũng bày tỏ “Tuy là học sinh mới vào trường nhưng qua những bài học về kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng phòng chống Tệ nạn xã hội và Bạo lực học đường, em thấy mình tự tin hơn, hòa nhập nhanh vào môi trường học tập và em cũng cảm nhận được sự thân thiện trong quan hệ với các bạn và các anh chị trong trường”.


Đại diện nhà trường, CMHS và Học sinh ký cam kết

Có thể nói, những giải pháp đã thực hiện trên đây tại trường THPT Phan Đình Phùng huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần hạn chế những vụ việc học sinh vi phạm pháp luật, trong nhiều năm trong nhà trường không xảy ra vụ việc đáng tiếc nào liên quan đến bạo lực học đường. Nhà trường trở thành một điểm đến an toàn và lành mạnh cho các em học sinh yên tâm học tập và sinh hoạt.

Lê Ngọc Chương

(Bài đã đăng trên Giáo dục & Thời đại số 241 ngày 08/10/2018).