Tản mạn về hình ảnh người mẹ và vai trò người phụ nữ trong gia đình
Lượt xem:
Trước đây, trong lần có dịp viết lời giới thiệu cho một tập thơ, bắt gặp hai câu thơ “Vương vấn công danh miền đất khách/ Xót xa tình nghĩa chốn quê nhà”, tôi đã rất tâm đắc và bất chợt đưa ra nhận định: Tác giả hai câu thơ – con người nặng tình nặng nghĩa này – rốt cục rồi cũng chẳng ở lâu đất này. Quả nhiên, sau đó vài năm, tôi nghe tin anh đã đưa gia đình về lại quê nhà. Lại đúng vào lúc công việc (và cả đường công danh) của anh chị đang rất hanh thông. Tôi gọi điện hỏi thăm, anh chỉ nhẹ nhàng: “Bà cụ nhà mình đã cao tuổi, lại không chịu rời quê, mình cần ở bên bà cụ”. Thì ra là vậy. Người già thường neo mình với quê hương, còn người làm con, đến một lúc nào đó, lại thấy mình cần náu mình bên mẹ. Anh dang dở việc tiến thân nơi “đất khách”, nhưng điều quý giá nhất thì anh đã được. Và được cả hai: Mẹ và Quê hương.
Người mẹ trong tâm thức mỗi người luôn là một điều gì hết sức thiêng liêng. Không ai đong đếm được đức hy sinh và lòng bao dung của mẹ. Càng không ai nói hết được lòng mình khi viết về mẹ. Nhiều thi sĩ, nhạc sĩ đã viết những vần thơ, những ca từ ngợi ca và tôn vinh người mẹ, lòng mẹ. Không khó để liệt kê ra đây những dòng tuyệt hay viết về mẹ trong số đó. Nhưng cũng nhiều người cả đời không dành cho mẹ câu nào. Ta đừng vội trách vì biết đâu với họ, việc dùng ngôn từ là chưa đủ, và đôi khi, sự im lặng lại có tiếng nói riêng của nó. Vậy đấy, những gì mẹ dành cho ta, mẹ chỉ làm một cách thầm lặng, sự thầm lặng lớn lao hơn sức nặng ngôn từ, sự thầm lặng lớn hơn cả cảm nhận của những đứa con…
Tôi thường đi lại nhiều nơi những khi rỗi rãi. Một lần trong số đó, chiếc xe khách đang xuôi xuống đèo An Khê, một trong những cung đường nguy hiểm trên quốc lộ 19, thỉnh thoảng, tôi lại thấy ở những nơi nguy hiểm nhất, những nhánh đường cụt hướng lên sườn núi ghi là “đường lánh nạn”. Đây là những nhánh đường phòng khi xe mất phanh, tuột dốc. Chợt nghĩ, liệu có nơi nào để cho con người ta “lánh nạn” những lúc lầm lạc hay mất phương hướng trong đời…! Kẻ tha hương luôn hướng về nguồn cội, người thất cơ lỡ vận càng hiểu về lòng mẹ bao dung. Lòng mẹ, tình mẹ luôn là nơi chốn bình yên cho mỗi tâm hồn. Hay nói như nhà thơ Nguyễn Duy: “Trở về với mẹ ta thôi/Để mai chết, khỏi mồ côi dưới mồ”.
Là phụ nữ thì ai cũng sẽ là người mẹ (Khi nói điều này, tôi cũng thật lòng chia sẻ với những người là phụ nữ nhưng vì nhiều lý do, không có cái may mắn được làm mẹ). Hành trình làm mẹ của người phụ nữ đâu chỉ đơn giản là việc duy trì nòi giống như một số người vẫn nghĩ theo nếp quen của thói gia trưởng. Hành trình đó là sự nối dài những vẻ đẹp về phẩm chất và đức hạnh người mẹ, là sự nối dài những cảm thông và thấu hiểu. Chẳng phải ông bà ta đã nói “Có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ” đó sao! Là phụ nữ hay là người mẹ thì cũng thế. Việc trước tiên là chăm lo mái ấm gia đình, là chăm chút cho hạnh phúc, niềm vui với mỗi người thân, và lấy hạnh phúc, niềm vui của mỗi người thân làm niềm vui, lẽ sống riêng cho mình. “Đằng sau thành công của một người đàn ông luôn có bóng hình người phụ nữ”, điều này là luôn luôn đúng. Nhưng cũng qua rồi cái thời mà người phụ nữ chỉ được coi là “điểm tựa”, là “bệ phóng” cho những đấng mày râu. “Phụ nữ bây giờ có thể chứng minh là họ có thể làm được tất cả những gì mà đàn ông làm được” Câu nói này không còn là sự ngoa ngôn. Người phụ nữ ngày càng thể hiện vai trò quan trọng hơn. Không chỉ quan trọng theo kiểu “…nhưng nếu chiều nay em không đong được gạo/ Thì tối về anh chẳng có cơm ăn” như nữ sĩ Xuân Quỳnh từng nói vui trong một bài thơ nhân ngày 8/3, mà sự quan trọng đó là khá rõ ràng trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trên thương trường và trên chính trường. Có điều, sẽ là đáng trách khi một người phụ nữ thành đạt vô tâm với mái ấm gia đình, không dành một chút ít ỏi thời giờ chăm lo cho chồng cho con dù chỉ một bữa cơm, giấc ngủ. Thế nên, để thành công trong vai trò xã hội, người phụ nữ đã phải nỗ lực rất nhiều. “Bà đầm thép” Magerette Thatcher, một trong những hình mẫu tiêu biểu của người phụ nữ hiện đại, một người mà sự thành công trên chính trường đáng để cánh mày râu nể phục, đã viết trong hồi ký của mình “… tôi biết ơn người chồng tuyệt vời của mình, nhưng tôi cũng tự hào rằng tôi chưa một phút lãng quên gia đình trong suốt quá trình tôi lãnh đạo đất nước” (Bí mật của Thatcher). Một sự tri ân sâu sắc với chồng và một sự bộc lộ đúng mực của bản thân về gia đình. Những người phụ nữ thành đạt của chúng ta học được điều gì từ một người như thế?!
Mỗi người chúng ta không chỉ có riêng cho mình một người mẹ, chúng ta còn có chị gái, em gái, chúng ta có vợ, có con và cả những người phụ nữ là đồng nghiệp, bạn bè… làm sao tránh khỏi những lúc ta không làm mẹ ta hài lòng hay làm cho những người phụ nữ chung quanh phật ý. Dẫu vậy, sẽ không ai trách ta nếu ta sai với trái tim thành thật!
Chúng ta rồi cũng sẽ dạy cho con mình những bài học đầu đời về kính cha, yêu mẹ, về quý chị, trọng anh… để chúng ý thức được rằng “Thêm một người trái đất sẽ nặng hơn/ Nhưng thiếu mẹ, thế giới đầy nước mắt” (Lê Thiếu Nhơn). Nhưng trên hết, hãy để chúng lớn lên và biết trân trọng những gì mẹ cha trao gửi.
Trở lại với câu chuyện với anh bạn, tôi lại chợt nhớ tới bài thơ Quê hương của Đỗ Trung Quân (đã được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc với bài hát cùng tên) và hai câu “Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi”, Quê hương là mẹ, hay Mẹ là quê hương? Có lẽ là cả hai. Bài thơ là câu trả lời cho thắc mắc của con trẻ, nhưng thiết nghĩ, nó còn là lời nhắn nhủ cho cả những ai không còn là con trẻ.
Krông Pắc, những ngày tháng Mười
Lê Ngọc Chương