Nguyễn Thị Bích Hạnh
Phan Đình Phùng (1844 – 1895) là người con ưu tú của mảnh đất Hà Tĩnh, vị lãnh tụ của phong trào Cần Vương, người anh hùng của dân tộc Việt Nam.
Phan Đình Phùng đã để lại cho hậu thế những thi phẩm thấm đẫm tinh thần yêu nước với một nhân cách lớn lao, cao cả.
Như thấu hiểu nỗi đau của dân tộc, Phan Đình Phùng đã đi theo tiếng gọi của quê hương, hưởng ứng chiếu Cần Vương giúp dân chống thực dân Pháp. Để rối lúc sắp rời nhân thế, trong tim Phan Đình Phùng vẫn khát khao hai chữ “tự do”. Mọi tâm tư, tình cảm và khát vọng của Phan Đình Phùng được gửi gắm qua thi phẩm “Lâm chung thời tác” ( Bài thơ tuyệt mệnh).
“Lâm chung thời tác” được viết vào năm 1895 trước lúc nhà thơ qua đời, mang ý nghĩa của một bài thơ tuyệt mệnh. Bài thơ được nhiều nho sĩ và các nhà nghiên cứu văn học xếp vào loại xuất sắc trong nền văn học cận đại. Bài thơ nói lên nỗi lòng của Phan Đình Phùng – Nỗi lòng của một kẻ sĩ vì nước, vì dân; lo nỗi lo của dân, của nước; đau cùng nỗi đau của nhân dân và vận nước trong cảnh bị ngoại bang xâm lược. Tâm sự của một người yêu nước trước khi trút hơi thở cuối cùng vẫn thấy chưa làm tròn trách nhiệm đối với nhân dân và đất nước.
“Nhung trường phụng mệnh thập canh đông
Vũ lược y nhiên vị tấu công
Cùng lộ ngao thiên nan trạch nhạn
Phỉ đồ biến địa thượng đồn phong
Cửu trùng xa giá quan sơn ngoại
Tứ hải nhân dân thủy hỏa trung
Trách vọng dũ long ưu dũ trọng
Tướng môn thâm tự quý anh hùng”.
(Nhung trường vâng mệnh đã mười đông
Vũ lược còn chưa lập được công
Dân đói kêu trời xao xác nhạn
Quân gian chật đất rộn ràng ong
Chín lần xa giá non sông cách
Bốn bể nhân dân nước lửa nồng
Trách nhiệm càng cao, càng nặng gánh
Tướng môn riêng thẹn mặt anh hùng)
(Bản dịch của Trần Huy Liệu)
Trong hoàn cảnh lịch sử thời bấy giờ, khi hàng loạt cuộc đấu tranh khởi nghĩa của quần chúng đều bị thất bại, thì vua quan phong kiến bỏ bê chính sự, còn thực dân Pháp ra sức đàn áp nhằm nhấn chìm tinh thần và phong trào đấu tranh cách mạng. Với ý thức của một nhà Nho, một chí sĩ yêu nước đã khiến Phan Đình Phùng có hành động trượng nghĩa, đó là gạt bỏ mối bất hòa để cùng Tôn Thất Thuyết lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm.
Nhung trường phụng mệnh thập canh đông,
Võ lược y nhiên vị tấu công.
(Nhung trường vâng mệnh đã mười đông
Vũ lược còn chưa lập được công)
Nhận thức sâu sắc trách nhiệm cũng như vai trò lịch sử của mình là “ phụng mệnh” đóng góp sức mình vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc mà cụ thể là lãnh đạo phong trào Cần Vương do vua Hàm nghi khởi xướng trong suốt “thập canh đông”( mười năm). Mười năm “phụng mệnh” là mười năm nếm trải gian khổ, mười năm“võ lược y nhiên” kia chung quy cũng chính vì tấm lòng yêu nước thương dân. Song khi đánh giá, tổng kết quá trình phấn đấu của mình Phan Đình Phùng không một chút nhân nhượng thậm chí khắt khe nghĩ mình chưa đóng góp được nhiều cho nhân dân. Ẩn chứa đằng sau đó là nỗi đau dằng xé, sự trách móc của bản thân không làm tròn nghĩa vụ, không thể giúp dân thoát khỏi lầm than cơ cực. Không dừng lại ở đó, tác giả cho người đọc cảm nhận thấm thía những lo toan trĩu nặng lòng mình:
Cùng hộ ngao thiên nan trạch nhạn,
Phỉ đồ biến địa thượng đồn phong.
Cửu trùng xa giá quan sơn ngoại,
Tứ hải nhân dân thủy hỏa trung.
(Dân đói kêu trời xao xác nhạn
Quân gian chật đất rộn ràng ong
Chín lần xa giá non sông cách
Bốn bể nhân dân nước lửa nồng)
Thay vì nói về mình, Phan Đình Phùng nói về quần chúng lao khổ, nói về tình trạng khốn cùng của người dân trước sự đàn áp dã man của thực dân Pháp. Trong khi cảnh đói khổ cùng đường, oán giận vang trời, tang thương chồng chất tang thương, nỗi đau đến cháy cả tấc lòng… thì quân xâm lược như đàn ong rã khắp mọi hướng để lập đồn bốt và gieo rắc tội ác ở khắp mọi nơi.
Giữa lúc xa giá của vua còn neo đậu nơi quan san, muôn dân sống trong nước sôi lửa bỏng mà ông như đang sắp sửa rời khỏi cuộc đời. Lời thơ nặng trĩu nỗi lòng tác giả. Có lẽ Phan Đình Phùng từ lâu không còn nghĩ cho bản thân mình nữa, bởi lẽ dân tộc đã chiếm trọn cuộc đời “Nay tôi chỉ có ngôi mộ rất lớn nên giữ, đó là đất nước Việt Nam, tôi chỉ có một ông anh rất to đang bị nguy vong, đó là mấy mươi triệu đồng bào. Nếu về để sửa sang phần mộ của mình, thì ngôi mộ cả nước kia ai giữ? Về để cứu vớt ông anh của mình thì bao nhiêu anh em trong nước ai cứu?”. Một tấm lòng trải rộng muôn nơi, một tình thương vô bờ bến, một trái tim sắt thép nhưng luôn rực lửa và chiến đấu hết mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Trách vọng dũ long ưu dũ đại,
Tướng môn thâm tự quý anh hùng.
( Trách nhiệm càng cao, càng nặng gánh
Tướng môn riêng thẹn mặt anh hùng)
Hai câu kết như một lời trăng trối, đó còn là kinh nghiệm được hun đúc qua bao tháng ngày từng trải, đây còn là lời nhắn nhủ tới các bậc anh tài, vừa là sự ý thức của tác giả về bản thân mình. Câu thơ cuối như một điểm kết sáng ngời, tôn cao nhân cách Phan Đình Phùng “Tướng môn thâm tự quý anh hùng” (Tướng môn riêng thẹn mặt anh hùng.). Nỗi thẹn ấy không làm cho con người nhỏ bé mà tôn cao nhân cách con người, đốt lên trong lòng người ngọn lửa của khát vọng vươn tới cái lớn lao, cao cả. Không dưới một lần chúng ta từng bắt gặp nỗi thẹn ấy trong thơ của Phạm Ngũ Lão “Công danh nam tử còn vương nợ- Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”, như Nguyễn Khuyến bày tỏ nỗi thẹn khi nghĩ tới thi sĩ Đào Tiềm đời Đường – Trung Quốc “Nhân hứng cũng vừa toan cất bút- Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào”. Với Phan Đình Phùng, thẹn với bản thân khi nhận thấy sự mất tương xứng giữa công danh mình đạt được với chính những gì mình đã làm, đó là nỗi thẹn của đấng trượng phu nặng gắng với non sông. Đây chính là điểm mới, điểm sáng tạo thể hiện nhận thức của con người chí sĩ Phan Đình Phùng.
“Lâm chung thời tác” với lời lẽ hết sức bi thiết, tác giả đã bộc lộ mình là một nhà Nho trung nghĩa sáng suốt. “ Lâm chung thời tác” có ý nghĩa như một bản di chúc cuối đời- nơi Phan Đình Phùng gửi gắm những tổng kết về cuộc đời cũng như những tâm nguyện, trăn trở chưa thực hiện được của nhà thơ. Bài thơ khép lại nhưng âm hưởng và nhiệt huyết cứu dân cứu nước vẫn còn vang vọng mãi. Tác phẩm để lại trong mỗi chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ, những bài học vô giá. Đồng thời thôi thúc mỗi chúng ta phải sống, học tập và cống hiến cho quê hương đất nước để không phụ lòng những anh hùng đã ngã xuống vì tổ quốc. Đó cũng là lời nhắn nhủ, làm người phải có chí hướng, có khát vọng và nỗ lực để hoàn thành ước mơ của mình. Phải chăng đó cũng như một lời khuyên đối với những con người bỏ quên việc nước, không hoàn thành trách nhiệm của bản thân, gây ra những hiện tượng tiêu cực khác làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước?…
“Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, tuy không thành công nhưng đã “thành nhân”. Cụ Phan đã viết nên những trang bất tử, ngời chói trong lịch sử chống xâm lăng của dân tộc, tên tuổi Phan Đình Phùng đã trở thành một biểu tượng đẹp đẽ của lòng trung quân ái quốc, nghĩa khí vằng vặc trăng sao. Cụ Phan Đình Phùng là tấm gương sáng về lòng yêu nước, thương dân như Bác Hồ của chúng ta thường nhắc đến một cách trân trọng: “Cụ Phan Đình Phùng là một học giả nổi tiếng và một vị quan to. Ở Trung Bộ, Cụ là một trong những người chí sĩ yêu nước đầu tiên đứng lên chống lại bọn đế quốc Pháp xâm lược. Cụ tổ chức những phần tử trí thức và nông dân Trung Bộ, lãnh đạo họ đấu tranh gian khổ chống bọn xâm lược, trải qua chín, mười năm. Tuy Cụ đã mất nhưng tên Cụ trở thành tượng trưng cho lòng yêu nước”!”./.